vhn.bio@gmail.com

Thứ 2 - Thứ 7: 8.00 - 17.30

CSKH: 0936.653.545

Bỏ túi những kiến thức về vi chất dinh dưỡng cho bé

15/08/2019   2028 lượt xem

Hằng ngày, cơ thể trẻ cần một lượng rất nhỏ vi chất dinh dưỡng, nhưng nếu thiếu hụt những vi chất này thì sức khoẻ cũng như quá trình phát triển của cơ thể trẻ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thiếu vi chất dinh dưỡng, trẻ có thể bị chậm phát triển, sức đề kháng suy yếu, dễ mắc các bệnh cấp và mãn tính, giảm tốc độ tăng trưởng về cân nặng, chiều  cao cũng như trí lực.

 

Vậy vi chất dinh dưỡng là gì?

 

Vi chất dinh dưỡng là những chất mà cơ thể chúng ta chỉ cần một lượng rất nhỏ và không thể tự tổng hợp được. Phần lớn vi chất dinh dưỡng được đưa vào cơ thể qua thực phẩm chúng ta ăn hàng ngày. Có khoảng 90 các vi chất dinh dưỡng khác nhau cần thiết cho cơ thể. Trong đó, quan trọng nhất và nằm trong chương trình vi chất quốc gia là Vitamin A, vitamin D, vitamin nhóm B, Sắt, Kẽm, Iod...

 

Tầm quan trọng của vi chất dinh dưỡng

 

Vi chất dinh dưỡng có rất nhiều vai trò quan trọng đối với cơ thể con người. Các chất này tham gia vào việc xây dựng nên các tế bào, các mô, xây dựng hệ thống miễn dịch, là thành phần chủ yếu của các hooc môn, dịch tiêu hóa.Vi chất dinh dưỡng còn tham gia vào nhiều cơ chế hoạt động của nhiều cơ quan trong cơ thể: hô hấp, chuyển hóa, bài tiết, duy trì sự cân bằng nội mô. Có thể nói, nhờ có vi chất dinh dưỡng mà cơ thể phát triển về thể chất, trí tuệ và có vai trò rất quan trọng trong tăng trưởng về chiều cao và cân nặng ở trẻ em.

 

Dấu hiệu cảnh báo thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ.

 

 

Để phát hiện trẻ bị thiếu vi chất dinh dưỡng, cha mẹ cần chú ý đến các triệu chứng điển hình sau:

 

- Vitamin C: nếu cha mẹ thấy da của trẻ khô, dễ chảy máu mũi, chảy máu chân răng, bé hay bị ho, sổ mũi,…tức là bé bị thiếu Vitamin C.

 

- Vitamin nhóm B (B1, B2, Biotin,…): nếu thiếu vitamin nhóm B, trẻ thường biếng ăn, dễ bị phù, viêm bờ niêm mạc, hay quấy khóc, rối loạn tiêu hoá,…

 

- Thiếu máu dinh dưỡng do thiếu sắt: sắt là thành phần của huyết sắc tố, tham gia quá̉ trình vận chuyển oxy và giữ vai trò quan trọng trong hô hấp tế bào. Thiếu sắt gây thiếu máu. Đây là tình trạng thường gặp ở trẻ em. Khi bị thiếu máu, trẻ thường có biểu hiện da xanh, niêm mạc môi, lưỡi, mắt nhợt nhạt. Trẻ kém hoạt bát, học kém, biếng ăn, quấy khóc, hay buồn ngủ. Khi bị thiếu máu nặng, trẻ hay bị viêm nhiễm đường hô hấp và các bệnh nhiễm khuẩn.

 

- Còi xương do thiếu canxi và vitamin D: Trong cơ thể canxi có vị trí đặc biệt, 98% canxi nằm ở xương và răng, vì vậy canxi rất cần thiết đối với trẻ em có bộ xương đang phát triển. Khi thiếu vitamin D sẽ làm giảm hấp thu canxi ở ruột, cơ thể sẽ huy động canxi ở xương vào máu gây rối loạn quá trình khoáng hóa xương. Biểu hiện sớm của còi xương là trẻ hay quấy khóc, nôn trớ, ngủ không yên giấc, hay ra mồ hôi trộm, rụng tóc, thóp rộng chậm liền, bờ thóp mềm, đầu to, răng mọc chậm, lồng ngực dô, chậm biết ngồi, biết đi, biến dạng xương (chân vòng kiềng, chữ bát). Các biến dạng của xương làm giảm chiều cao của trẻ. Nhu cầu canxi cho 1 ngày của trẻ  6 – 11 tháng: 400mg, 1 – 3 tuổi 500mg, 4 – 6 tuổi 600mg, 7 – 9 tuổi: 700mg, 10 tuổi: 1.000mg. Nhu cầu vitamin D của trẻ em 5mcg/ngày (tương đương 200 đơn vị quốc tế – UI).

 

- Bướu cổ do thiếu iốt: iốt là vi chất dinh dưỡng rất cần thiết cho sự phát triển của cơ thể, cần cho tổng hợp hormon tuyến giáp, duy trì thân nhiệt, phát triển xương, quá trình biệt hóa và phát triển của não và hệ thần kinh trong thời kỳ bào thai. Khi cơ thể bị thiếu iốt, tuyến giáp làm việc nhiều hơn để tổng hợp thêm nội tiết tố giáp trạng nên tuyến giáp to lên, gây ra bướu cổ. Trẻ bị thiếu iốt chậm phát triển trí tuệ, chậm lớn, nói ngọng, nghễnh ngãng, học kém, thiếu nặng trẻ có thể bị đần độn. Nhu cầu iốt ở trẻ em khoảng 90 – 120mcg/ngày. Các thực phẩm có nhiều iốt là các loại cá biển, rong biển, rau  cải xoong, tảo…

 

- Suy dinh dưỡng, thấp còi do thiếu kẽm: kẽm có vai trò quan trọng trong quá trình tăng trưởng, miễn dịch, giúp cơ thể chuyển hóa năng lượng, hình thành các tổ chức. Thiếu kẽm làm trẻ chậm lớn, biếng ăn, giảm sức đề kháng hay mắc bệnh nhiễm khuẩn, suy dinh dưỡng và chậm phát triển chiều cao. Nhu cầu kẽm của trẻ nhỏ 5 – 6mg/ngày.

 

- Thiếu vitamin A và bệnh khô mắt: vitamin A có vai trò quan trọng đặc biệt đối với trẻ nhỏ, giúp trẻ lớn và phát triển bình thường, tăng cường khả năng miễn dịch, bảo vệ các biểu mô giác mạc, da, niêm mạc. Khi thiếu, trẻ chậm lớn, còi cọc, hay bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn như tiêu chảy, viêm đường hô hấp, thiếu nặng sẽ bị khô loét giác mạc, dẫn đến mù lòa. Nhu cầu vitamin A ở trẻ em 400 – 500mcg/ngày.

 

Nguồn thực phẩm cung cấp vi chất dinh dưỡng

 

Phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng, chủ động và an toàn nhất là thông qua nguồn thực phẩm để bổ sung vitamin và các khoáng chất trong từng bữa ăn. Các nhà dinh dưỡng đã khuyến cáo bữa ăn cần đa dạng, phối  hợp đủ 4 nhóm thực phẩm trong 1 bữa ăn (nhóm tinh bột, nhóm đạm, nhóm chất béo và nhóm rau xanh, quả chín cung cấp vitamin, khoáng chất, và chất xơ) không chỉ giúp trẻ ăn ngon miệng, ăn được nhiều mà còn đảm bảo cung cấp đủ các vi chất dinh dưỡng cho trẻ.

 

Khuyến khích các bà mẹ cho con bú ngay sau sinh để trẻ bú được sữa non vì trong sữa non, hàm lượng vitamin A cao, giúp trẻ khỏe, tăng sức đề kháng và chống được bệnh. Trẻ nhỏ cần được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu vì sữa mẹ là nguồn thực phẩm tự nhiên có đủ vi chất dinh dưỡng, đáp ứng được nhu cầu của trẻ.

 

Việc sử dụng thuốc bổ sung vitamin không thay thế được thức ăn, mà vẫn phải cho trẻ ăn uống đầy đủ, cân bằng các nhóm thực phẩm.

 

          

 

Thực phẩm giàu kẽm gồm sò, củ cải, đậu Hà Lan, đậu nành, lòng đỏ trứng gà; Vitamin C có nhiều trong cam, quýt, bưởi, ổi chín, rau cải, rau muống, rau ngót.

 

Canxi có nhiều trong tôm, cua, trai, ốc, pho mát. Vitamin D được cung cấp chủ yếu qua việc cho trẻ tiếp xúc với ánh nắng, và qua các thực phẩm như dầu cá, trứng, gan.

 

Vitamin B có nhiều trong các loại ngũ cốc nguyên cám, đậu đỗ, thịt gà, rau lá xanh thẫm, chuối, lê, sữa, pho mát.

 

Các thức ăn như tiết bò, tiết lợn, gan động vật, bầu dục, thịt bồ câu, đậu tương, vừng, đậu trắng… là những thực phẩm rất giàu chất sắt. Còn những thức ăn có nhiều vitamin A lại tập trung ở các loại rau lá có màu xanh thẫm, các loại củ quả có màu vàng…

 

Ngoài ra, việc chế biến, lưu trữ thực phẩm không đúng cách cũng làm mất đi lượng lớn vitamin và khoáng chất: rau bị héo, trái cây không còn tươi nên mất nhiều vitamin C, gạo càng trắng càng ít vitamin B1, thức ăn nấu quá kỹ vitamin C sẽ không còn…

 

Bổ sung vi chất dinh dưỡng cho trẻ khi nào

 

Thông thường, để biết bé có bị thiếu vi chất hay không, nên đưa bé đến bác sĩ dinh dưỡng để được khám và chuẩn đoán. Ngoài ra, bạn có thể dựa vào những yếu tố sau:

 

- Trẻ đẻ non, sinh đôi, các trẻ lớn quá nhanh do nhu cầu Vitamin quá cao so với sự cung cấp của chúng ta hàng ngày.

- Trẻ suy dinh dưỡng hoặc trẻ sau giai đoạn bệnh (nhiễm khuẩn, ho hen, tiêu chảy…) thì đương nhiên phải được bổ sung vitamin và khoáng chất.

- Trẻ biếng ăn dài ngày.

 

Bổ sung vi chất cho trẻ như thế nào?

 

Liều bổ sung bao giờ cũng phải thấp hơn nhu cầu hàng ngày, trừ trường hợp trẻ đang bị mắc bệnh do thiếu các vitamin và khoáng chất đó thì có thể phải dùng liều cao hơn, trường hợp này phải uống theo sự chỉ dẫn của BS nhi khoa.  Vì vậy các bậc phụ huynh cần phải biết nhu cầu hàng ngày các vitamin và khoáng chất này là bao nhiêu.

 

Các chế phẩm Vitamin và vi chất dinh dưỡng đơn lẻ thường có hàm lượng rất cao, như Vitamin B12 loại 5.000-10.000mcg (cao gấp 800-1.600% nhu cầu hằng ngày), Vitamin C 1.000mg, nguyên tố kẽm 100mg (cao gấp 330-660% nhu cầu hằng ngày)… khi sử dụng cần tham khảo và tuân thủ tuyệt đối chỉ định của thầy thuốc.

 

Tóm lại, Để phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ, ngoài bổ sung vi chất ra, điều quan trọng là bữa ăn của trẻ cần có nhiều loại thức phẩm khác nhau, thường xuyên thay đổi cách chế biến để trẻ ngon miệng, đủ chất. Các thực phẩm có nguồn gốc động vật như: thịt, trứng, sữa có nhiều vitamin A, sắt, kẽm;  tôm, cua, cá có nhiều can xi. Nhưng cần chú ý để trẻ  hấp thu được sắt   cần cho trẻ ăn rau xanh, hoa quả chín để tăng nguồn vitamin C. Vitamin A, D là vitamin tan trong chất béo, vì thế  bữa ăn của trẻ cần có dầu ăn  hoặc  mỡ để tăng hấp thu, chuyển hoá vitamin A, D.

Bài viết liên quan

Trẻ sơ sinh ho 1-2 tiếng có sao không? Nguyên nhân và cách xử lý

Ho là một phản xạ tự nhiên của cơ thể để làm sạch đường hô hấp khi có sự kích ứng hoặc tắc nghẽn. Tuy nhiên, khi trẻ sơ sinh – đặc biệt là những bé chỉ mới vài tháng tuổi – có hiện tượng ho, dù chỉ là 1-2 tiếng, điều này vẫn khiến cha mẹ lo lắng. Nhiều bậc cha mẹ đặt câu hỏi rằng:

Trẻ Con Bị Ho Nên Ăn Gì? Những Thực Phẩm Tốt Nhất Cho Trẻ Nhỏ

Khi trẻ bị ho, việc chọn lựa thực phẩm đúng cách đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ quá trình hồi phục. Chế độ ăn uống không chỉ giúp cung cấp dưỡng chất mà còn có thể giúp làm giảm triệu chứng ho, tạo điều kiện để hệ miễn dịch của bé hoạt động tốt hơn. Để biết trẻ bị ho nên ăn gì và kiêng gì, bài viết này sẽ cung cấp những thông tin hữu ích để giúp cha mẹ lựa chọn thực phẩm phù hợp cho bé, từ đó giảm thiểu tình trạng ho và hỗ trợ bé hồi phục nhanh ch&

Trẻ Bị Ho Kiêng Ăn Gì? Các Mẹ Nên Biết Để Chuẩn Bị Cho Trẻ Nhỏ

Trong quá trình nuôi dạy trẻ, tình trạng bé bị ho là một trong những vấn đề sức khỏe thường gặp nhất, đặc biệt là khi thời tiết chuyển mùa hoặc do môi trường sống. Khi trẻ bị ho, ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, các mẹ cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng của bé. Một số loại thực phẩm có thể khiến tình trạng ho trở nên tồi tệ hơn, vì vậy, biết rõ "trẻ bị ho kiêng ăn gì" là điều rất cần thiết. Bài viết này sẽ giúp các mẹ hiểu rõ hơn về những thực phẩm nên tránh và những lưu ý quan trọng tron

Phải Làm Sao Khi Trẻ Ho Nhiều Về Đêm? Biện pháp an toàn và hiệu quả

Trẻ ho nhiều về đêm - Ho là một phản xạ tự nhiên của cơ thể giúp loại bỏ các chất lạ trong đường hô hấp. Tuy nhiên, khi trẻ ho nhiều về đêm, điều này không chỉ ảnh hưởng đến giấc ngủ của bé mà còn khiến các bậc cha mẹ lo lắng. Trẻ ho nhiều về đêm thường có nhiều nguyên nhân, từ các bệnh lý đường hô hấp như viêm phế quản, cảm lạnh, đến các yếu tố môi trường như không khí khô hoặc dị ứng. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về lý do tại sao trẻ lại ho nhiều về đêm và cách chăm sóc hiệu quả để b&eacut

Đăng ký tư vấn

Mẹ để lại thông tin để bác sĩ, dược sĩ VHN hỗ trợ nhé