
Vitamin và khoáng chất là nhóm chất dinh dưỡng quan trọng, tuy cơ thể chỉ cần với một lượng nhỏ hằng ngày, nhưng sự thiếu hụt sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của trẻ. Bổ sung vitamin và khoáng chất cho trẻ thế nào cho “chuẩn”, cùng tìm câu trả lời qua bài viết dưới đây các mẹ nhé.
Ngày nay, không khó để tìm thấy các sản phẩm bổ sung vitamin và khoáng chất trên thị trường. Nhiều mẹ bổ sung cho bé theo “phong trào” mà không hề hiểu rõ về các dưỡng chất này.
Vitamin là hợp chất hữu cơ có thể tan được trong nước hoặc chất béo. Vitamin được chia làm 2 nhóm bao gồm: các vitamin tan trong chất béo điển hình như: Vitamin A, vitamin D, vitamin E và vitamin K; các vitamin tan trong nước như vitamin C và vitamin B phức hợp.
Vitamin tan trong chất béo có khả năng tích tụ trong cơ thể. Còn các loại vitamin tan trong nước cần phải hòa tan trong nước trước khi chúng được cơ thể hấp thụ, đó cũng là lý do mà chúng không thể được tích trữ trong cơ thể. Bất kỳ loại vitamin hòa tan trong nước nào mà cơ thể không thể sử dụng hết sẽ mất dần qua đường nước tiểu.
Khoáng chất là những yếu tố vô cơ có trong đất và nước, chúng được các loại thực vật hấp thụ hoặc những loại động vật tiêu thụ sau đó tồn tại trong những loại động, thực vật đó. Bên cạnh các chất khoáng thường được mọi người nhắc tới trong cuộc sống hằng ngày như canxi, natri và kali thì vẫn tồn tại những loại chất khoáng khác, bao gồm cả chất khoáng vi chất như đồng, i-ốt, sắt, kẽm… với hàm lượng rất nhỏ nhưng cần thiết cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ.
Nhìn chung các vitamin nói chung sẽ mang lại những giá trị đối với sức khỏe của trẻ nhỏ như:
- Là một trong những nguyên liệu thiết yếu cấu tạo nên tế bào, cần thiết cho sự phát triển và duy trì sự sống của các tế bào.
- Tham gia vào quá trình chuyển hóa các chất.
- Tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể.
- Tham gia điều hòa hoạt động của tim với hệ thần kinh.
- Vitamin trong cơ thể như một chất xúc tác giúp đồng hóa và biến đổi thức ăn, tạo năng lượng cung cấp cho các hoạt động của cơ thể.
- Vitamin có khả năng bảo vệ tế bào khỏi các tấn công của các tác nhân nhiễm trùng nhờ đặc tính chống lại quá trình oxy hóa, khử độc và sửa chữa các cấu trúc bị tổn thương.
- Tham gia hỗ trợ điều trị các bệnh lý của cơ thể, làm cường sức khỏe cho cơ thể.
Vitamin có rất nhiều loại khác nhau, ngoài những chức năng chung của vitamin, mỗi loại lại đóng vai trò riêng đối với cơ thể:
- Vitamin A: Giúp làm sáng mắt, chống lại quá trình lão hóa của cơ thể.
- Vitamin B: Kích thích ăn uống, cải thiện hấp thu, giúp da tóc bóng mượt, đặc biệt góp phần vào sự phát triển của hệ thần kinh.
- Vitamin C: Làm chậm sự oxy hóa, ứng dụng nhiều trong da liễu, có khả năng làm tăng sức bền của thành mạch, ứng dụng trong điều trị các bệnh lý xuất huyết.
- Vitamin D: Cùng với canxi giúp kích thích sự phát triển của hệ xương. Thiếu vitamin D sẽ gây nên các tình trạng bệnh lý về xương khớp như còi xương, xương sống cong, chậm mọc răng...
- Vitamin E: Liên quan đến các bệnh lý về da và tế bào máu.
- Vitamin K: Là một trong những yếu tố quan trọng liên quan đến sự đông máu. Thiếu vitamin K khiến máu bị khó đông, các vết thương sẽ bị chảy máu liên tục.
Đối với sức khỏe của trẻ nhỏ, khoáng chất có vai trò quan trọng tương tự như vitamin. Khoáng chất cũng tham gia vào cấu tạo tế bào, tham gia các hoạt động sống và đặc biệt quan trọng trong việc cân bằng các chất lỏng, duy trì sự phát triển của răng xương, cơ cũng như hỗ trợ cho chức năng của hệ thần kinh.
Cũng giống như vitamin, chất khoáng là chất mà cơ thể không tự sản xuất ra được. Chất khoáng được cung cấp chủ yếu qua đường ăn uống. Một chế độ ăn khoa học đầy đủ chất dinh dưỡng sẽ đảm bảo được sức khỏe.
Khoáng chất gồm natri, clorua, kali, canxi, photpho, magie hay các chất khoáng vi lượng như sắt, selen, mangan, flo, đồng, i-ốt. Mỗi chất khoáng lại có những công dụng chức năng riêng. Vai trò của một số khoáng chất quan trọng sử dụng phổ biến:
- Magie: Cần thiết cho chức năng của hệ tiêu hóa nhất là các cơ co thắt và xung thần kinh. Đồng thời Magie còn tham gia kiểm soát lượng đường trong máu, điều hòa huyết áp, duy trì sự chắc khỏe của xương.
- Selen: Là cấu thành của men glutathione peroxidase ảnh hưởng đến mọi thành phần của hệ miễn dịch, tác động đến sự phát triển của bạch cầu. Thiếu hụt selen gây ức chế miễn dịch, suy giảm chức năng bạch cầu, ngăn chặn rối loạn chuyển hóa trong hệ tiêu hóa.
- Sắt: Cần thiết cho quá trình tạo các tế bào máu. Thiếu sắt sẽ gây thiếu máu, rụng tóc, đau đầu chóng mặt.
- Kẽm: Kích thích hoạt động của các enzyme, hỗ trợ hệ miễn dịch, bảo vệ vị giác, khứu giác, liên quan đến sự tổng hợp DNA.
- Clorua: Là một khoáng chất đặc biệt trong cơ thể, là thành phần của dịch dạ dày. Clorua cùng với Natri giúp cơ thể cân bằng hệ chất lỏng trong cơ thể.
- Kali: Cần thiết cho hệ thần kinh trung ương, cũng tham gia vào cân bằng chất lỏng trong cơ thể. Khi nồng độ Kali bị rối loạn có thể gây rối loạn nhịp tim.
- Natri: Kết hợp với Clorua sẽ giúp cân bằng dịch ngoại bào, điều chỉnh huyết áp.
Việc bổ sung vitamin và khoáng chất cho trẻ có thể được các mẹ áp dụng thông qua các chế độ dinh dưỡng cân bằng. Các mẹ có thể lưu lại những thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất dưới đây để đưa vào bữa ăn hằng ngày của trẻ:
- Vitamin A có chứa trong những loại thực phẩm như gan, trứng, sữa, các loại rau củ quả trái cây có màu xanh hoặc vàng (rau diếp, cà rốt, cà chua, bí đỏ,...). Vitamin A có nguồn gốc động vật chủ yếu tồn tại ở dạng rượu retinol, còn vitamin A có nguồn gốc thực vật tồn tại dưới 3 dạng là Alpha, Beta và Gamma carotene.
- Vitamin B có trong thịt, cá, trứng, cám gạo, ngũ cốc nguyên hạt, nấm, bông cải xanh, bơ, phomai, sữa chua
- Vitamin C có nhiều trong cam, chanh, quýt, ổi, cà chua, bông cải xanh, rau cải.
- Vitamin D có nhiều trong ngũ cốc, sữa chua, cá, trứng, dầu cá, ... hoặc được tổng hợp bởi cơ thể khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
- Vitamin E có trong hạnh nhân, hạt dẻ, rau bina, rau cải xanh,...
- Vitamin K có trong trứng, măng tây, ngò tây, cần tây, bông cải xanh, dưa chuột, dầu oliu, trái cây sấy khô.
- Sắt được cung cấp từ thịt, cá, gan, trứng, bơ, khoai tây, bông cải xanh, đậu nành, rau bó xôi và các loại rau xanh đậm. Trẻ sơ sinh từ khi ra đời đã có sẵn nguồn sắt dự trữ dồi dào, đủ cho nhu cầu của trẻ trong 4 – 6 tháng đầu đời. Đối với trẻ sinh non, tốc độ tăng trưởng của trẻ có thể làm cạn kiệt nguồn dự trữ sắt chỉ trong 2 – 3 tháng. Trẻ từ 7 – 12 tháng tuổi cần 11 mg sắt nguyên tố mỗi ngày. Trẻ từ 1 – 3 tuổi thì liều lượng giảm còn 7 mg nguyên tố sắt mỗi ngày.
- Kẽm có chứa nhiều trong những thực phẩm như thịt bò, thịt gà, cá, trứng, sữa tươi nguyên chất, phô mai. Vì vậy nếu bé được cung cấp đủ chất sắt thì có khả năng bé cũng có đủ kẽm. Mỗi 250 gram sữa chua chứa 1,6 mg kẽm, mỗi 50 gram thịt thăn heo chứa khoảng 2 mg kẽm và nửa cái ức gà chứa 1 mg kẽm. Sữa công thức đáp ứng đủ nhu cầu kẽm của trẻ, nhưng sữa mẹ thì không. Do đó, điều quan trọng là cần phải bổ sung kẽm cho trẻ. Đối với trẻ nhỏ từ 7 tháng đến 3 tuổi cần 3 mg kẽm mỗi ngày.
- Canxi được cung cấp từ những thực phẩm như cua, tôm, cá, ốc, đậu nành, mộc nhĩ, vừng, rau ngót, sữa và các chế phẩm từ sữa. Trong năm đầu đời, sữa mẹ và sữa công thức thường cung cấp đủ nhu cầu canxi cho trẻ. Khi chuyển sang dùng sữa bò nguyên chất, trẻ cần được cung cấp đủ 500 mg canxi mỗi ngày.
Cách bổ sung vitamin và khoáng chất an toàn, đơn giản nhất cho trẻ là thông qua chế độ dinh dưỡng. Tuy nhiên, với cuộc sống bận rộn, không phải ngày nào các mẹ cũng có đủ thời gian để chuẩn bị những bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng cho con. Hơn nữa, không phải tất cả trẻ em đều hợp tác ăn uống. Do đó, các mẹ nên bổ sung thuốc vitamin và khoáng chất hàng ngày cho trẻ để phòng ngừa thiếu hụt, đặc biệt với những trẻ sau:
- Trẻ biếng ăn, lười ăn hoặc kén ăn. Những trẻ này thường ăn rất ít hoặc chỉ đồng ý ăn một số loại thực phẩm. Do đó trẻ sẽ khó nhận đủ nguồn vitamin và khoáng chất từ thức ăn.
- Trẻ ăn chay. Những trẻ chỉ được nuôi dưỡng bằng nguồn đạm thực vật có nguy cơ cao thiếu sắt và các vitamin nhóm B.
- Trẻ ăn nhiều thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn và đồ uống có ga. Càng lớn trẻ càng mong muốn nếm thử nhiều những món ăn khác nhau, đặc biệt là những món ăn được quảng cáo với màu sắc, hương vị hấp dẫn trên tivi và đường phố. Khi bắt đầu đi học, trẻ cũng dễ dàng tiếp cận những món ăn kém lành mạnh này hơn, ở ngoài cổng trường hoặc trên đường phố. Khi dạ dày đã được lấp đầy bởi đồ ăn nhanh và thức uống có ga, trẻ sẽ không thể tiếp nhận thêm các món ăn tươi ngon, bổ dưỡng được nữa.
- Trẻ mắc các bệnh về đường tiêu hóa như viêm ruột, viêm tụy, tiêu chảy kéo dài. Các vấn đề ở đường hô hấp như hen suyễn hoặc đường tiết niệu như hội chứng thận hư, suy thận cũng ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự hấp thu, dự trữ và đào thải vitamin, khoáng chất của trẻ.
- Trẻ phải sử dụng thuốc kéo dài. Sử dụng kéo dài các loại thuốc khiến trẻ có nguy cơ thiếu hụt nhiều vitamin và khoáng chất cần thiết với cơ thể.
Để bổ sung hiệu quả vitamin và khoáng chất cho trẻ bằng thuốc uống, các mẹ cần lưu ý những điểm sau:
- Sử dụng thuốc bổ sung vitamin và khoáng chất dành riêng cho trẻ em
Nhu cầu vitamin, khoáng chất và đặc điểm sinh lý của trẻ em rất khác so với người lớn. Do đó, bạn không thể sử dụng thuốc vitamin của người lớn để bổ sung cho trẻ em được. Hãy lựa chọn những sản phẩm bổ sung vitamin và khoáng chất dành riêng cho trẻ em.
- Lựa chọn dạng thuốc bổ sung phù hợp với lứa tuổi và sở thích của trẻ
Thuốc bổ sung vitamin cho trẻ em có nhiều dạng khác nhau, bao gồm: dạng siro, cốm, bột, viên nén, viên nhai, viên nang… Để lựa chọn sản phẩm phù hợp với trẻ, bạn cần dựa vào độ tuổi và sở thích của con.
Nếu trẻ dưới 2 tuổi, có khả năng nhai nuốt chưa tốt, bạn nên cho trẻ uống vitamin và khoáng chất ở dạng lỏng, cốm hoặc bột. Khi trẻ đã ăn cơm và thức ăn thô thành thạo, bạn có thể chuyển sang sử dụng dạng viên. Tùy theo sở thích của trẻ mà bạn lựa chọn viên nén, viên nang hoặc viên nhai sao cho phù hợp.
- Cho trẻ uống đủ và đúng liều
Không phải cứ bổ sung thật nhiều vitamin và khoáng chất cho trẻ là tốt. Bổ sung quá nhiều canxi khiến trẻ bị sỏi thận. Uống quá liều vitamin D sẽ dẫn tới mất nước nghiêm trọng, tổn thương xương, thận và có thể tử vong. Để trẻ phát triển khỏe mạnh, bạn cần cho trẻ em uống các loại thuốc vitamin đủ và đúng liều.
- Đặt thuốc ở xa tầm tay của trẻ
Các thuốc bổ sung vitamin cho trẻ em thường có màu sắc sặc sỡ nên rất kích thích trí tò mò của trẻ. Trẻ thường muốn mở nắp ra xem, thậm chí là nếm thử. Điều này có thể dẫn đến hậu quả là trẻ tự uống thuốc hoặc làm đổ vỡ, ảnh hưởng tới chất lượng của sản phẩm khi không đóng kín nắp. Do đó, các mẹ nên đặt thuốc ở trên những kệ cao, tránh xa tầm nhìn và tầm với của trẻ. Cách này vừa đảm bảo an toàn cho trẻ vừa giúp bảo quản thuốc tốt hơn.
- Tham khảo lời khuyên của bác sĩ khi cần
Nếu trẻ mắc các bệnh lý mạn tính hoặc đang phải dùng thuốc điều trị, mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi bổ sung vitamin và khoáng chất cho trẻ. Việc này sẽ ngăn ngừa tương tác bất lợi giữa thuốc và sản phẩm bổ sung. Bác sĩ cũng sẽ tư vấn cho bạn liều vitamin và khoáng chất phù hợp với tình trạng sức khỏe hiện tại của trẻ.
Bổ sung vitamin và khoáng chất rất quan trọng với sự phát triển và sức khỏe của trẻ. Vitamin A, B, C, D, canxi và sắt là 6 loại vi chất bạn nên tăng cường bổ sung cho trẻ trong suốt thời thơ ấu. Ngoài ra, để bổ sung hiệu quả vitamin và khoáng chất, mẹ cần lựa chọn sản phẩm phù hợp với từng giai đoạn phát triển và tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ hoặc nhà sản xuất. Bên cạnh đó, mẹ cũng nên xây dựng, duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh và cân bằng cho trẻ.
Để được tư vấn kỹ hơn về sức khỏe dinh dưỡng cũng như việc bổ sung vitamin và khoáng chất đúng cách cho trẻ, các mẹ vui lòng liên hệ Hotline 0247.1060.666 hoặc Zalo 0936.653.545 để gặp bác sĩ/ dược sĩ của Viện Dinh dưỡng VHN Bio hỗ trợ tư vấn miễn phí.
Thiếu sắt là nguyên nhân chính gây ra tình trạng thiếu máu ở trẻ. Thường gặp ở trẻ em trong giai đoạn ăn dặm hoặc đối với trẻ sinh non, trẻ không được uống sữa mẹ hoàn toàn. Trẻ thiếu máu nên bổ sung loại sắt loại nào? Bố mẹ cùng đi tìm lời giải từ chuyên gia dinh dưỡng VHN Bio qua bài viết dưới đây.
Vitamin nhóm B là một dưỡng chất thiết yếu, đóng vai trò quan trọng trong quá trình tiêu hóa, hấp thu của trẻ. Khi trẻ có dấu hiệu chuyển hóa kém, chậm tăng cân, bố mẹ thường tìm kiếm vitamin tổng hợp cho con bổ sung.